Chiến lược phát triển nhà trường
KẾ HOẠCH
Chiến lược phát triển trường THCS Tân Lợi giai đoạn 2022-2027, tầm nhìn đến năm 2030
Trường THCS Tân Lợi được đổi tên từ trường THCS Hồ Thị Kỷ theo Quyết định số 55QĐ/UBND ngày 11 tháng 8 năm 2006 của UBND Thới Bình, đóng ở Ấp Xóm Sở xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau. Sau 16 năm phấn đấu và trưởng thành, trường THCS Tân Lợi đã phát triển toàn diện.
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2022 - 2027 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm định hướng phát triển, xác định mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển của nhà trường để đáp ứng yêu cầu đổi mới của nền kinh tế xã hội.
Phần 1. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH 14 ngày 14/6/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020);
Căn cứ Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Căn cứ Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGD&ĐT ngày 12/9/2020 của Bộ GD&ĐT;
Căn cứ Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, Thông tư 32/2022/TT-BGDĐT Thông tư sửa đổi bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ;
Căn cứ Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thới Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Hồ Thị Kỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025;
Căn cứ kết quả đạt được trong giai đoạn 2017 - 2022 và tình hình thực tế của đơn vị, trường THCS Tân Lợi xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2022 - 2027 tầm nhìn 2030.
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2022 - 2027 tầm nhìn 2030 nhằm xác định rõ phương hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban Giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường.
Phần 2. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC
I. Sứ mệnh
Tạo dựng môi trường học tập và rèn luyện thân thiện, nề nếp, kỷ cương, chất lượng, nhân văn; giúp cho mỗi học sinh đều có điều kiện tốt để phát triển năng lực cá nhân, hoàn thiện bản thân.
II. Tầm nhìn
Là một trong những trường chất lượng cao của huyện. Nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới xuất sắc.
III. Phương châm hành động
Chất lượng giáo dục là uy tín và danh dự của nhà trường.
IV. Hệ thống giá trị cơ bản cốt lõi.
- Đoàn kết - Nhân ái
- Tự trọng - Trung thực
- Trách nhiệm - Hợp tác
- Khát vọng - Sáng tạo
Phần 3. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu ngắn hạn: Năm học 2022 – 2023
1.1. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện:
* Chất lượng giáo dục hạnh kiểm: 100% học sinh đạt hạnh kiểm Tốt, Khá.
Không có học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật hoặc mắc tệ nạn xã hội.
* Chất lượng giáo dục văn hóa:
+ Tỷ lệ HS đạt học lực Giỏi(Tốt) chiếm 19,9%; học lực Khá chiếm 24,9%; học lực TB(Đạt) chiếm 50,2%; học lực Yếu(Chưa đạt) 5%.
+ 70% đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 THPT (hệ công lập), trong đó có hơn 5 học sinh tỷ lệ 4% đậu vào trường chuyên. Còn lại 37 học sinh đạt 30% đi học nghề.
+ Chất lượng thi HSG cấp huyện: xếp thứ 3 trong huyện.
* Chất lượng giáo dục thể chất, thẩm mỹ, kĩ năng sống, hướng nghiệp:
+ Thành lập và tổ chức tốt đội văn nghệ, TDTT. Đội tuyển TDTT thi cấp huyện xếp hạng cao trong huyện.
1.2. Bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý và dạy học theo chương trình GDPT mới.
1.3. Phấn đấu trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023.
2. Mục tiêu trung hạn: Đến năm 2025, phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:
2.1. Xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục: nhà đa năng, đạt thương hiệu trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh .
2.2. 100% CB, GV, NV có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn (theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT)
3. Mục tiêu dài hạn: Đến năm 2030, phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:
- Chất lượng giáo dục được khẳng định.
- Thương hiệu nhà trường được nâng cao.
- Đạt thương hiệu trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh và ở trong tốp 10 trường THCS chất lượng cao của tỉnh
Phần 4. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục:
- Phát huy tối đa trí tuệ cá nhân kết hợp với trí tuệ tập thể của tổ, nhóm chuyên môn trong trường, liên trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục.
- Tổ chức xây dựng Kế hoạch giáo dục cho từng năm học phù hợp mục tiêu, chương trình GDPT ban hành kèm theo TT 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương và đơn vị.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị trong từng năm học.
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn đầu tư xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập. Tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu nghiêm túc, hiệu quả theo kế hoạch .
2. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh:
- Tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy học nhằm từng bước thực hiện được mục tiêu giáo dục: rèn luyện phẩm chất, phát triển năng lực của học sinh. Chỉ đạo giáo viên kết hợp linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các hình thức và phương pháp dạy học. Tổ chức hoạt động dạy học thông qua các hoạt động thực tiễn của học sinh; gắn hoạt động học tập với thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Đặc biệt quan tâm việc thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương.
- Chú trọng việc thành lập các câu lạc bộ khoa học, văn học, nghệ thuật, TDTT; tổ chức, hướng dẫn các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, sáng tạo, từ đó phát triển năng lực, trau dồi phẩm chất, rèn luyện kĩ năng.
- Tổ chức thực hiện đa dạng hóa hình thức, phương pháp đánh giá học sinh. Kết hợp đánh giá bằng điểm số với đánh giá bằng nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp đánh giá kết quả học tập và đánh giá hoạt động thực tiễn của học sinh. Đảm bảo đánh giá học sinh toàn diện, chính xác, khách quan, công bằng theo hướng ghi nhận, động viên thúc đẩy sự tự hoàn thiện của học sinh.
- Từng bước nâng cao yêu cầu ứng dụng CNTT trong dạy học và kiểm tra đánh giá.
- Mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động giáo dục có nội dung mới, mang tính đột phá.
II. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ CB, GV, NV:
1. Nâng cao năng lực quản trị nhà trường
- Xây dựng cơ cấu tổ chức nhà trường hoàn thiện, đầy đủ, đúng theo Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT. Đảm bảo các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường đồng bộ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định.
- Xây dựng bộ quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ khoa học, cụ thể, đúng quy định, phù hợp với đặc điểm thực tiễn của đơn vị, đảm bảo tính pháp lý cao.
- Từng bước đầu tư nâng cấp thiết bị CNTT, triển khai sử dụng các phần mềm quản lí trường học. Đến năm 2025, thực hiện hoàn thành lộ trình số hóa trong quản lý trường học.
- Phát huy tối đa vai trò, chức năng, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong việc giám sát hoạt động của Ban giám hiệu và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường.
2. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ
- Tích cực tham mưu với các cấp có thẩm quyền bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng và cơ cấu.
- Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Quan tâm việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn và bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới.
- Thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện phẩm chất, lối sống cho CB, GV, NV. Xây dựng đội ngũ mạnh về chất lượng, có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn khá giỏi, có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực; tâm huyết, gắn bó với nhà trường; đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
III. Xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học
1. Quản lí, sử dụng các nguồn tài chính hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Hằng năm dành khoản kinh phí phù hợp cho việc mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
2. Tham mưu kịp thời với các cấp quản lí đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của nhà trường theo từng giai đoạn.
3. Tích cực tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm huy động được nhiều nguồn tài trợ phục vụ cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
4. Tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, không để hư hỏng, mất mát, lãng phí tài sản nhà trường.
IV. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục, huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa giáo dục. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục
1. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy chế, quy định của ngành, nhất là thực hiện Quy chế dân chủ trong đơn vị.
- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh theo đúng quy định của pháp luật.
2. Huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa giáo dục
- Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc các hoạt động khuyến học khuyến tài và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm phát triển hoạt động giáo dục nhà trường.
3. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong hoạt động giáo dục
- Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với Ban Đại diện cha mẹ học sinh theo đúng Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh đã dược ban hành.
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ với các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân địa phương trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.
- Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng của cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tiễn của đơn vị.
- Tăng cường các hoạt động giao lưu trong hoạt động giáo dục với các đơn vị bạn và địa phương.
Tác giả: HỒ PHƯƠNG THANH